Con người Làm việc với sếp khó tính không khó

Làm việc với sếp khó tính không khó

248
Sếp cũng là người bình thường nên cũng có những ưu khuyết điểm. Nóng tính là một trong những kiểu sếp mà bạn có thể gặp. Dưới đây là một số cách giúp bạn sẵn sàng đối phó với bất kỳ kiểu sếp khó tính nào.
Luôn tôn trọng sếp
Sếp là người bình thường nên cũng có những ưu khuyết điểm. Nóng tính cũng là một trong những yếu điểm của con người. Bạn không thể kiểm soát hành động sếp mà chỉ có thể kiểm soát phản ứng của mình trước sếp. Hãy tiếp tục cố gắng hoàn thành xuất sắc công việc của mình.
Dù là sếp nóng tính bạn hãy cư xử với họ như với những người sếp tốt nhất. Không nhất thiết phải nịnh sếp, chỉ cần thể hiện để họ thấy mình được tôn trọng. Sếp là người có quyền quyết định việc tăng lương, thăng tiến công việc của bạn và có thể là người tư vấn cho bạn khi bạn có quyết định “nhảy việc”.
Hãy lắng nghe
Nếu thấy sếp của mình sắp sửa nóng tính hãy giữ bình tĩnh và lắng nghe tất cả những gì sếp nói, kể cả những lời quát mắng. Nếu cãi lại, lý giải, phân bua tức bạn đã đổ dầu vào lửa.
Thông cảm với sếp
Hãy đặt mình vào vị trí của sếp. Hãy hiểu những khó khăn và bức xúc, những vấn đề và sức ép, sự căng thẳng và mệt mỏi của sếp. Cũng nên hiểu rằng mình là người có trách nhiệm giúp lãnh đạo, cố vấn và tham mưu cho lãnh đạo, rằng ngay cả lúc sếp nóng, mình cũng vẫn là người mà lãnh đạo đang rất cần.
Cư xử nhã nhặn
Sếp có cư xử nóng nảy chưa đúng mực bạn càng phải cư xử nhã nhặn, chuyên nghiệp. Hãy cư xử với đồng nghiệp, khách hàng, cấp trên và cả người ấy bằng thái độ lịch sự. Bạn nên chứng tỏ với sếp rằng sự chuyên nghiệp, chứ không phải cảm xúc khó kiểm soát của sếp, mới có thể chinh phục được niềm tin của mọi người cũng như giải quyết công việc hiệu quả.
Không nói xấu sếp
Bạn có thể bức xúc về những lời nói, hành động nóng nảy của sếp và muốn chia sẻ với đồng nghiệp. Nhưng bạn nên nhớ, đừng nói những điều không hay về sếp. Nếu làm như vậy khiến cho bạn trở nên không chuyên nghiệp và càng mất điểm trước sếp.
Không chống đối
Tuyệt đối không tỏ thái độ chống đối, ngay cả khi biết sếp sai hoàn toàn. Việc chống đối chỉ càng làm tăng thêm sự tức giận của sếp. Hãy im lặng và chịu đựng. Cần tìm một dịp khác thuận lợi để nói chuyện và phân tích. Trên thực tế phần lớn những người sếp nóng tính nhận ngay ra lỗi của mình sau khi cơn nóng được nguôi.
Trao đổi thẳng thắn
Trong trường hợp, sếp cư xử vượt quá sức chịu đựng của bạn, bạn hãy thẳng thắn nói chuyện với họ. Có thể bạn hẹn sếp vào một thời điểm thích hợp và cho họ bạn không thoải mái với cách cư xử đó của sếp. Hãy nói rằng bạn tôn trọng sếp và yêu thích công việc của mình nhưng bạn sẽ làm việc năng suất, hiệu quả hơn nếu có sự giúp đỡ của sếp. Sau đó, hỏi sếp xem bạn nên làm việc theo cách nào để khiến sếp hài lòng và đề nghị lời khuyên từ họ.
Làm việc sáng tạo 
Bạn khó có thể yêu cầu sếp giải quyết vấn đề theo cách hoặc quan điểm của bạn. Với một vị sếp khó tính như vậy, cách tốt nhất là bạn nên chủ động đưa ra một phương án giải quyết bao gồm cả giải pháp, ý kiến của sếp và của bạn. Vì vậy, trong mọi hoàn cảnh, hãy luôn chủ động và sáng tạo. Bạn sẽ cảm thấy thật dễ dàng khi làm việc và đối phó với sếp khó tính của mình. 
Đòi hỏi “quyền” của bạn
Bạn đang phải nhận mức lương thấp hơn so với những đồng nghiệp khác ở cùng vị trí của bạn trong công ty. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng: Những vị sếp này thường tự cho mình là luôn công bằng với nhân viên. Vì vậy, hãy thúc đẩy suy nghĩ đó của sếp. Giả sử khi bạn yêu cầu sếp tăng lương, bạn nên nhấn mạnh các “quyền” bình đẳng mà các nhân viên trong công ty được hưởng. Bạn có thể thuyết phục sếp bằng cách đưa ra những thông tin về lương của các nhân viên khác có cung vị trí với bạn trong công ty. Có như vậy, bạn mới có thể đạt được những điều bạn muốn.
Cần phải có cam kết
Có thể sếp không thực hiện những điều sếp hứa. Điều này có thể làm bản thất vọng và chán nản. Do vậy, bất kỳ lúc nào sếp hứa với bạn điều gì, hãy viết lại những cam kết đó qua email hoặc viết trực tiếp. Như vậy, bạn mới có thể yêu cầu sếp thực hiện các công việc sếp đã hứa hoặc đồng ý.